Bài học từ Cube Beefsteak: “Làm thế nào để tận dụng lợi thế kinh doanh một cách triệt để?”

Một nhà hàng khi mới thành lập, dù quy mô lớn hay nhỏ cũng đều gặp phải những khó khăn và rào cản nhất định. Không phải nhà hàng nào cũng may mắn có được lợi thế kinh doanh như kinh nghiệm kinh doanh, nguồn tài chính lớn mạnh hay vị trí kinh doanh sẵn có, v.v. Tuy nhiên, nếu ta biết tận dụng và phát huy điểm mạnh của mình, chắc chắn đó sẽ là bước đà thuận lợi cho quá trình gia nhập thị trường.

Câu chuyện hôm nay Kinhdoanhnhahang muốn chia sẻ với bạn đọc là về Cube Beefsteak tại số 20 ngõ 211 phố Xã Đàn, quán bò bít tết kiểu Pháp mới được thành lập chưa lâu nhưng đã tạo được tiếng vang lớn trong cộng đồng ẩm thực Hà Nội. Cùng nhau gặp gỡ và trò chuyện với anh Nguyễn Tùng Giang, chủ quán, để nghe anh chia sẻ những khó khăn trong quá trình gia nhập thị trường và làm thế nào để tiếp cận đối tượng khách hàng mới?

cube-beefsteak (25)

Anh Nguyễn Tùng Giang, chủ quán bò bít tết Cube Beefsteak

Để bắt đầu buổi phỏng vấn, anh có thể giới thiệu về bản thân mình cho bạn đọc Kinhdoanhnhahang biết được không?

Anh Nguyễn Tùng Giang (NTG): Mình xuất thân là dân kiểm toán, cũng đã ấp ủ mong muốn kinh doanh từ lâu rồi nên chỉ chờ có cơ hội là mình hiện thực hóa đam mê ấy. Một trong quyết định khó khăn nhất của mình là từ bỏ nghề mình yêu thích để bước chân vào một lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới.

Khi chọn một sản phẩm kinh doanh, người ta luôn có những lý do riêng. Anh thì sao?

NTG: Mình nhận thấy kinh doanh một cửa hàng bò bít tết với bản thân mình có khá nhiều lợi thế. Thứ nhất, mình có một anh bạn đang sở hữu chuỗi cửa hàng bò bít tết khá nổi tiếng trong Sài Gòn. Nếu như bạn đã từng ở Sài Gòn và là một tín đồ của món bít tết thì chắc chắn bạn sẽ biết đến Titi Beefsteak. Anh bạn đó đã đồng ý để mình phát triển một cửa hàng mới dựa trên thương hiệu Titi nhưng vẫn giữ được một số nét đặc trưng riêng từ khăn giấy đến cách trang trí của cửa hàng. Tuy nhiên đây không phải là hình thức nhượng quyền thương mại và mình cũng không mất phí nhượng quyền. Mình nghĩ đó là lợi thế đầu tiên.

cube-beefsteak (24)

Thứ hai, mình nhận thấy thị trường bít tết tầm trung tại Hà Nội còn chưa phát triển, vẫn còn rất nhiều thị phần để cho một thương hiệu mới như Cube khai thác.

Và từ hai lý do này, mình quyết định mở một nhà hàng bò bít tết để phục vụ đại đa số thực khách, bao gồm cả đối tượng khách hàng là những người có thu nhập vừa phải, điều đó đồng nghĩa là bất cứ ai cũng có thể đến Cube để thưởng thức một suất bít tết ngon với giá cả hợp lý.

Lý do nào khiến anh lựa chọn cái tên Cube?

cube-beefsteak (20)

Cube Beefsteak tại số 20 ngõ 211 phố Xã Đàn

NTG: Có nhiều lý do để mình đặt tên quán là Cube. Đầu tiên, “Cube” trong tiếng Anh có nghĩa là khối lập phương. Cách bài trí và thiết kế của quán sẽ đưa tới cảm nhận về những khối lập phương thông qua từng viên gạch bông, khối hoa hay giá sách trang trí, tạo cho bạn một không gian ấm cúng. Thứ hai, mấy viên bò lúc lắc cứ xoay qua xoay lại giống khối lập phương nên cái tên cũng từ đó mà ra. Thứ ba, do cách đọc Cube tương tự như Kobe, gợi cho thực khách sự liên tưởng thú vị đến thịt bò của quán thơm ngon hảo hạng chẳng kém gì thịt bò Kobe bên Nhật. Mọi cái tên đều bắt nguồn từ những điều đơn giản, gần gũi và thân thương, và mình muốn Cube Beefsteak cũng như vậy!

Anh có thể chia sẻ về loại sốt đặc biệt nhất của quán được không?

cube-beefsteak (21)

cube-beefsteak (15)

cube-beefsteak (14)

NTG: Hiện tại, Cube có 4 loại sốt là sốt BBQ, sốt phô mai, sốt tiêu xanh và sốt chanh leo, có thể ăn cùng với thịt bò, thịt cừu hay các loại khác tùy vào sự lựa chọn của khách hàng. Những thực khách đến với CUBE chủ yếu vẫn yêu thích vị sốt phomai béo ngậy hoặc vị sốt BBQ đặc trưng.

Bít tết ở Cube có mức giá khá rẻ. Anh đánh giá các đối thủ khác như thế nào?

NTG: Mình phải xác định phân khúc thị trường của mình ở đâu. Đôi khi đối thủ cạnh tranh đáng ngại nhất cũng có rất nhiều thứ cho ta phải học hỏi. Một hiệp hội được thành lập từ những cá thể trong cùng phân khúc, biết đâu, sẽ có thể cạnh tranh được với những tập đoàn lớn. Cạnh tranh lành mạnh sẽ giúp cho chúng ta cùng phát triển và sẽ mang lại rất rất nhiều lợi ích cho khách hàng.

Là một người trẻ kinh doanh, anh có gặp khó khăn gì không?

NTG: Nhiều chủ nhà hàng mới mở đều gặp khó khăn về tài chính vì phải đi thuê mặt bằng. Cube có lợi thế do được mở ngay tại nhà của mình. Tuy nhiên, vị trí quán của mình trong ngõ nên khó tiếp cận khách hàng hơn những quán có vị trí ngoài mặt đường.

cube-beefsteak (23)

Khó khăn lớn nhất có lẽ nằm ở khâu tiếp cận khách hàng. Vì mình là một cửa hàng mới, dù thị phần còn nhiều nhưng vẫn còn những rào cản từ những thương hiệu đi trước. Làm sao để có thể tiếp cận khách hàng? Câu trả lời được nghĩ đến đầu tiên là sử dụng phương tiện truyền thông, quảng cáo. Mình tốt hay xấu như thế nào thì thực khách phải đến quán để ăn thử mới đánh giá được. Người ta đến ăn với mình một lần rồi, muốn níu chân người ta lui tới thường xuyên thì quán chỉ có cách không ngừng cải thiện chất lượng món ăn và thái độ phục vụ.

Anh đã từng sử dụng phương thức quảng cáo gì cho Cube chưa?

NTG: Cũng kha khá vì Cube nằm trong ngõ, không có lợi thế về vị trí, nếu mình không sử dụng phương tiện quảng cáo thì khách hàng khó có thể biết đến mình.

cube-beefsteak (22)

cube-beefsteak (17)

Làm thế nào để Cube cạnh tranh được với những cửa hàng khác trong cùng phân khúc giá?

NTG: Chất lượng, dịch vụ và giá cả là công cụ cạnh tranh mạnh nhất. Mình hãy tận dụng những lợi thế có được như giảm chi phí thuê mặt bằng mỗi tháng để từ đó giảm giá bán xuống thấp một chút. Khi khách hàng nhận thấy hai cửa hàng có chất lượng tương đương mà cửa hàng này có giá bán thấp hơn cửa hàng kia, họ đương nhiên chọn cửa hàng có mức giá thấp hơn. Trong cùng phân khúc giá, các cửa hàng có chất lượng và dịch vụ tốt hơn sẽ thu hút được nhiều khách hơn.

cube-beefsteak (12)

Làm kinh doanh, đừng bao giờ nghĩ đến việc “cướp” khách hàng từ đối thủ cạnh tranh, bởi đó là sai lầm. Nhà hàng nào cũng có những khách hàng trung thành, thay vì loay hoay với việc kéo khách hàng của các cửa hàng khác thì tại sao mình không khai thác lượng khách hàng mới tiềm năng bên ngoài. Thị phần bít tết tầm trung tại Hà Nội còn rất lớn! Phương thức cạnh tranh tốt nhất với các đối thủ chính là tự gây dựng thương hiệu của mình lớn mạnh, mở rộng thị phần thay vì phải tìm cách “đánh” đối thủ cạnh tranh.

Anh có điều gì muốn chia sẻ với những bản trẻ có niềm đam mê kinh doanh không?

NTG: Muốn kinh doanh nhà hàng thành công, bạn phải xem mình có những lợi thế và khó khăn gì, từ đó cân nhắc kỹ lượng để chọn hình thức kinh doanh và chiến lược kinh doanh thật phù hợp với điều kiện và năng lực của bản thân.

(Bài phỏng vấn này được thực hiện bởi chuyên trang Kinhdoanhnhahang.vn, website chính thức và duy nhất cung cấp những kiến thức nhà hàng, bài học thành công của những chủ doanh nghiệp tại Hà Nội. Những quan điểm trong bài phỏng vấn thể hiện quan điểm riêng của khách mời, không phản ánh quan điểm của Kinhdoanhnhahang.vn)