Hà Nội vốn là một thành phố có bề dày ẩm thực bậc nhất cả nước. Xưa người Hà Nội có bát phở bò truyền thống, nay người Hà Nội tiếp thu tinh hoa ẩm thực từ khắp nơi trên thế giới bằng sự pha trộn, phá cách. Và Nhật Bản là một trong những quốc gia có nền ẩm thực du nhập vào Hà Nội sớm nhất.
Daikon Foods số 14 Đường Thành
Đa phần các nhà hàng Nhật Bản ở Hà Nội đều dành cho người có tiền, dù không quá sang trọng nhưng cũng không phải dành cho tất cả mọi người. Daikon Foods lại là nhà hàng Nhật nằm ngoài xu hướng ấy. Nó không quá nổi bật theo hơi hướng của những nhà hàng ngoại quốc ở Hà Nội. Bề ngoài, nhà hàng này không khác gì một cửa hàng bán đồ lưu niệm nhỏ nằm trong con ngõ yên bình tại số 14 Đường Thành.
Kinhdoanhnhahang.vn đã có cuộc gặp gỡ trao đổi với anh Đàm Đức Dương – chủ nhà hàng Daikon Foods để tìm hiểu về phong cách giản dị, gần gũi của nhà hàng này. Anh là cựu du học sinh Anh nhưng lại có niềm đam mê cháy bỏng với đất nước Nhật Bản, còn khá trẻ nên tư tưởng của buổi gặp mặt ngày hôm nay chỉ như cuộc nói chuyện phiếm của những thanh niên thế hệ 9x.
Anh Đàm Đức Dương, chủ nhà hàng Daikon Foods
Anh chia sẻ với tôi rất nhiều về cái tên Daikon Foods. “Daikon” trong tiếng Nhật có nghĩa là “củ cải” nhưng điều này không hề ám chỉ đến nguyên liệu chính ra làm các món ăn ở đây. Nhà hàng Nhật Bản này được xây dựng xuất phát từ sở thích và niềm đam mê với ẩm thực Nhật Bản của anh và các sáng lập viên.
Cái tên “Daikon Foods” là những gì mọi người muốn hướng đến cho nhà hàng của mình, một phong cách giản dị, một cảm giác thân thiện, gần gũi và ấm cúng đến những khách hàng; hơn nữa củ cải trắng cũng là nguyên liệu rất bình dị trong ẩm thực Nhật Bản.
Một sự đơn giản làm người ta có thể nhớ đến nó trong lần đầu tiên. Rất nhiều chủ nhà hàng lựa chọn một cái tên cầu kỳ cốt để gây ấn tượng mạnh với thực khách nhưng lại không có được hiệu quả như mong muốn vì họ đã quên mất một điều: “Muốn thực khách ấn tượng với nhà hàng, trước hết họ phải nhớ được tên của nhà hàng đó”.
Nhật Bản vốn là một quốc gia có cái nhìn sâu sát và kỹ lưỡng trong mọi vấn đề, đặc biệt là ẩm thực. Nhưng nếu ai đã một lần ghé qua Daikon có thể nhận ra những món ăn ở đây lại hết sức đơn giản. Tôi có thắc mắc điều này với anh Dương thì anh cười và nói: “Diện mạo và không gian quán đã phản ánh Daikon Foods là một nhà hàng Nhật bình dị vậy bạn nghĩ sao nếu những món ăn trong Daikon lại cầu kỳ, phức tạp”.
Quả thực đúng như vậy, thực đơn của Daikon Foods khiến tôi liên tưởng đến những món ăn Nhật bình dân, nói đúng hơn là bình dị, gắn liền với những bữa ăn hằng ngày của người dân Nhật Bản. Điều đó khiến phong cách của nhà hàng này được hoàn thiện hơn.
Một số món ăn tại Daikon Foods
Từ thời điểm bắt đầu kinh doanh, tính đến nay, Daikon Foods đã hoạt động được hơn 2 năm. Khoảng thời gian này đủ dài để một nhà hàng trải qua nhiều biến động lớn nhỏ. Anh Dương vẫn thường tự hào nói rằng thế mạnh lớn nhất của Daikon Foods có lẽ nằm ở nhóm sáng lập viên trẻ và tâm huyết với nghề. Làm gì cũng vậy, điều quan trọng nhất là phải có lòng yêu nghề, có thế thì chẳng e ngại trước khó khăn gì.
Đội ngũ nhân viên của Daikon được đào tạo một cách bài bản không chỉ về kinh nghiệm phục vụ hay chế biến món ăn mà còn về những kiến thức nền để làm sao toát lên hết được phong thái của người dân Nhật. Daikon Foods có thể không phải là nhà hàng Nhật Bản lớn nhất nhưng đây chắc chắn là nhà hàng Nhật Bản giống nhất.
Anh chia sẻ rằng muốn quản lý nhân sự tốt, điều quan trọng nằm ở khâu đào tạo. Đội ngũ nhân viên chính là cầu nối giữa cái hồn của ẩm thực với thực khách xa gần.
Anh tự nhận mình là một người kỹ tính, bởi anh đề ra cho nhân viên ở đây những quy tắc chặt chẽ về vệ sinh để đảm bảo những món ăn khi đến tay khách hàng phải luôn đảm bảo độ ngon và sạch nhất. Bất cứ nhân viên nào từ làm bếp đến phục vụ, trước và sau khi tiếp xúc với món ăn đều phải rửa tay. Chỉ là chi tiết nhỏ này nhưng không phải chủ nhà hàng nào cũng để tâm tới. Và tất cả mọi người cùng sinh hoạt trong một “môi trường” do anh tự tạo ra có tên là “Nông trại củ cải”, gồm có 20 thành viên để linh hoạt giờ làm mặc dù nhà hàng có diện tích khá khiêm tốn.
Nhóm này lại được anh chia làm tổ bếp và tổ bàn riêng biệt; rồi lại phân nhỏ chi tiết gồm tổ bếp chiên, bếp xào và bếp cuộn Sushi. Việc chia nhỏ nhóm công việc như thế này giúp anh chi tiết hóa công việc từng bộ phận và dễ dàng kiểm soát nhân sự hơn. Mọi thành viên trong nhà hàng của anh, không phân biệt nam hay nữ đều được đào tạo để đảm nhận tất cả vị trí ship hàng, dọn dẹp vệ sinh để bất cứ lúc nào cũng có thể hỗ trợ lẫn nhau khi thiếu hụt nhân viên.
Tôi được biết trước đây, anh Dương từng theo học chuyên ngành Quản trị Nhân Sự ở Anh trước khi tiếp xúc với văn hóa và ẩm thực Nhật. Có lẽ chính vì thế mà việc tuyển chọn và đào tạo nhân viên tại Daikon Foods luôn được anh chú trọng.
“Chúng tôi nghĩ rằng khách hàng tiếp xúc và tin tưởng sử dụng sản phẩm và dịch vụ của mình, điều quan trọng nhất là phải cung cấp được những sản phẩm và dịch vụ có chất lượng đảm bảo và có tính lâu dài”, anh Dương chia sẻ.
Cũng chính thế mà Daikon Foods hướng tới phục vụ tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính hay sở thích. Và anh cho biết thêm dù sau này Daikon có mở rộng quy mô nhà hàng, hướng tới những sản phẩm/dịch vụ mới nhưng điều quan trọng nhất vẫn là giữ vững chất lượng sản phẩm/dịch vụ.
Buổi nói chuyện đơn thuần chỉ là chia sẻ. Anh Dương làm tôi nhận ra một khía cạnh khác của chủ nhà hàng, giản dị, đời thường nhưng tình yêu với đất nước Nhật, ẩm thực Nhật khiến anh có thể làm tất cả mọi việc.
(Bài viết này được thực hiện bởi chuyên trang Kinhdoanhnhahang.vn, website chính thức và duy nhất cung cấp những kiến thức nhà hàng, bài học thành công của những chủ doanh nghiệp tại Hà Nội. Những quan điểm trong bài phỏng vấn thể hiện quan điểm riêng của khách mời, không phản ánh quan điểm của Kinhdoanhnhahang.vn)
}