Kinh doanh nhà hàng ở trong nước vốn đã là việc khó khăn và bắt đầu công việc kinh doanh ở nước ngoài càng khó khăn hơn. Hôm nay, kinhdoanhnhahang.vn sẽ giới thiệu đến các bạn câu chuyện của nhà hàng Mỳ Oshi 03, nhà hàng mỳ ramen của đất nước mặt trời mọc tại Việt Nam.
Lời đầu tiên, cảm ơn anh đã đồng ý tham gia vào buổi phỏng vấn cùng Kinhdoanhnhahang ngày hôm nay.
Kinhdoanhnhahang (KDNH): Chào anh! Để bắt đầu cuộc trò chuyện ngày hôm nay, anh có thể chia sẻ một chút về bản thân cũng như cửa hàng hay không? lý do nào đã khiến anh mở ra nhà hàng này?
Anh Tsukidate Shinta (TS): Mình là Tsukidate Shinta, 35 tuổi, chủ của nhà hàng Mỳ Oshi 03. Tại Nhật nhà hàng của bên mình hiện nay đã có 12 chi nhánh tại tỉnh Iwate. Và do đó, công ty muốn mở rộng chi nhánh thêm ra bên ngoài. Trong quá trình tìm hiểu về các địa điểm để mở nhà hàng, nếu mở nhà hàng ở những nơi món mỳ ramen đã trở nên quen thuộc và phát triển thì sẽ không có nhiều khả năng phát triển. Vì vậy bên mình muốn chọn nơi mà món mỳ ramen vẫn chưa được nhiều người biết đến và đó là lý do nhà hàng mỳ Oshi 03 được mở ra tại Việt Nam.
KDNH: Là người Nhật, khi mở quán tại Việt Nam anh có gặp nhiều khó khăn không? Khó khăn nào là lớn nhất? Anh có được giúp đỡ khi xây dựng quán không?
TS: Có rất nhiều khó khăn, rắc rối mà trước đây mình chưa từng gặp. Đầu tiên, người phụ trách xây dựng nhà hàng đã thực hiện chậm 1 tháng, chính vì vậy ngày mở hàng đã bị lùi lại và việc chuẩn bị của nhà hàng chưa được tốt lắm. Tiếp theo, vị giác của người Nhật và người Việt có sự khác nhau. Người Nhật thường ăn khá mặn còn người Việt thì ăn nhạt hơn nên việc điều chỉnh và cân bằng để phù hợp với khẩu vị của khách hàng khá khó khăn. Bởi nhà hàng của mình vừa muốn có thể đón tiếp các vị khách Nhật tại Việt Nam, trong khi vẫn muốn phục vụ các khách hàng Việt.
KDNH: Tại sao anh đặt tên nhà hàng là Nhà hàng mỳ Oshi 03? Cái tên này có ý nghĩa gì?
TS: Tên công ty của mình ở Nhật là Yanagiya. Ban đầu nhà hàng muốn đặt tên theo tên công ty bên Nhật nhưng từ này rất khó để người Việt phát âm vì vậy cái tên này đã ra đời. Giám đốc của công ty tại Nhật có tên là Oshida nên nhà hàng có tên Oshi còn về số 3 thì nhà hàng ở Việt Nam mình là chi nhánh thứ ba ngoài 12 nhà hàng tại tỉnh Iwate và 1 nhà hàng tại Tokyo. Ngoài ra cũng có 1 sự tình cờ thú vị là địa chỉ của nhà hàng là ở số 3 Lê Đại Hành do đó cái tên nhà hàng mỳ Oshi 03 đã ra đời.
KDNH: Việc giao tiếp với khách hàng, quản lý nhà hàng…của anh khi không biết tiếng Việt có khó khăn không? Ai là người giúp đỡ anh?
TS: Thực ra vấn đề giao tiếp của mình cũng không gặp nhiều khó khăn lắm, bởi nếu ngôn ngữ không hiểu thì có thể sử dụng ngôn ngữ cử chỉ…Ngoài ra, nhà hàng cũng có các bạn quản lý biết cả tiếng Nhật và tiếng Việt, các bạn cũng giúp đỡ mình rất nhiều trong việc quản lý nhà hàng và giao tiếp với khách hàng.
KDNH: Việc đưa món mỳ ramen đến với các khách hàng Việt có gặp nhiều khó khăn không? Đâu là khó khăn lớn nhất?
TS: Ban đầu, mình cũng gặp khó khăn trong việc chọn vị. Bời người Nhật ăn mặn hơn nên nếu làm phù hợp với khẩu vị của người Nhật thì người Việt không thể ăn được. Sau đó, mình đã nghĩ được cách là phân ra những công thức riêng cho người Nhật và người Việt để phù hợp được với mọi khách hàng. Giờ lượng khách hàng của mình cũng đã khá ổn định.
KDNH: Anh có dự định gì trong tương lai dành cho Nhà hàng mỳ Oshi 03?
TS: Trước tiên nếu mô hình ở đây thành công thì mình cũng muốn mở thêm các chi nhánh ở thành phố Hồ Chí Minh, và các tỉnh khác ngoài ra thì mình cũng muốn mở thêm các nhà hàng ở nước khác gần đây, chẳng hạn như Thái Lan…
Cám ơn anh đã đồng ý tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay của kinhdoanhnhahang.vn. Chúc Nhà hàng mỳ Oshi 03 sẽ ngày càng thành công hơn trong tương lai!
(Bài viết này được thực hiện bởi chuyên trang Kinhdoanhnhahang.vn, website chính thức và duy nhất cung cấp những kiến thức nhà hàng, bài học thành công của những chủ doanh nghiệp tại Hà Nội. Những quan điểm trong bài phỏng vấn thể hiện quan điểm riêng của khách mời, không phản ánh quan điểm của Kinhdoanhnhahang.vn).