Theo các chuyên gia, bất kỳ nhà hàng nào cũng đều có mẹo để thực khách chi nhiều hơn cho các bữa ăn.
Bẫy ‘thập diện mai phục’
Ngày nay, nhiều nhà hàng làm một menu chi tiết và đầy đủ, phục vụ mọi nhu cầu của thực khách. Trong đó, họ phân ra các loại đồ ăn dành cho người ăn kiêng, ăn chay, kiêng ngọt, kiêng dầu mỡ… Dù thực khách đang trong chế độ ăn nào, bạn vẫn không thể “thoát” khỏi ma trận đồ ăn của cửa hàng và buộc lòng rút hầu bao.
Bẫy “tiền lẻ”
Các món ăn thường có giá lẻ, tạo cảm giác cho thực khách thấy rẻ hơn. Ví dụ, thay vì bán món súp giá 10 USD, họ sẽ bán thành 9,7 USD.
Ngoài ra, khi thanh toán khách sẽ đưa tiền chẵn, và nhà hàng sẽ trả lại tiền lẻ. Đôi khi, số tiền lẻ này có giá trị thấp nên nhiều người không lấy. Đối với một vài hóa đơn, số tiền này không có giá trị. Nhưng đối với nhà hàng có lượng người ăn nhiều, số tiền lẻ này nếu cộng lại không hề nhỏ chút nào.
Bẫy “âm nhạc”
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sử dụng âm nhạc hợp lý sẽ khiến thực khách ăn nhiều hơn là không sử dụng. Các loại nhạc khác nhau cũng tác động trực tiếp đến số lượng ăn nhiều, ít của khách.
Nhạc cổ điển, giao hưởng làm thực khách ăn nhiều hơn 10% so với bình thường. Khi muốn bán nhiều rượu vang, nhà hàng thường bật nhạc Pháp.
Bẫy “thực đơn như ma trận”
Chuyên gia ngành nhà hàng Aaron Allen cho biết đã qua rồi cái thời menu dày như một cuốn tiểu thuyết. Điểm trừ của thực đơn kiểu này là quá nhiều đồ ăn, khiến thực khách bị “loạn” và không biết gọi món gì. Ngoài ra, họ sẽ nghi ngờ nhà hàng không thể làm ngon cùng lúc quá nhiều món trong thực đơn.
Ngày nay, nhiều nhà hàng thường có menu cô đọng, và chỉ in trên một tờ giấy.
Bẫy ‘mật ngọt chết ruồi’
Khách rất thích ăn trong các nhà hàng mà thái độ phục vụ của nhân viện thân thiện, lễ phép và nhiệt tình. Đây là điểm cộng khiến họ sẽ luôn muốn quay lại. Theo nhiều chuyên gia về nhà hàng, đây chính là bẫy “mật ngọt chết ruồi”.
Bẫy ‘luôn tạo ra sự khác biệt’
Nhiều nhà hàng đã tự “sáng tạo” cho mình những giai thoại để làm nên sự khác biệt với đối thủ khác. Ví dụ trong cùng 10 quán cà phê giống hệt nhau, nếu một quán nào đó quảng bá rằng họ có đầu bếp chuyên làm món bánh ngọt gia truyền, chắc chắn nơi này sẽ thu hút nhiều thực khách hơn. Vì mọi người tin rằng, đến đây họ sẽ được ăn những chiếc bánh độc, lạ mà nơi khác không có dù thực tế, chất lượng của các cửa hàng bánh đều như nhau, dù là gia truyền hay thất truyền.
Bẫy ‘bồi bàn luôn dọn đĩa thức ăn bẩn’
Nhiều người đơn giản nghĩ rằng, bồi bàn đang làm công việc của mình khi họ liên tục thu dọn những đĩa thức ăn bẩn, đã dùng hết của thực khách. Tuy nhiên, sự thật là họ làm thế để bạn cảm thấy mình không gọi quá nhiều món, và nếu vẫn muốn ăn thêm bạn sẽ dễ dàng gọi các món khác.
Bẫy ‘đổi thứ khác to hơn’
Khi bạn mua một túi bỏng ngô với giá 2 USD, người bán luôn hỏi rằng: Anh/chị có muốn đổi sang size lớn hơn không ạ. Và bạn nhanh chóng gật đầu khi nhận thấy size nhỏ 2 USD, nhưng mua size lớn có 2,2 USD. Theo chuyên gia Aaron Allen, bạn đã rơi vào bẫy của nhà hàng, khi họ bán được nhiều đồ hơn và móc ví của khách hàng một cách dễ dàng.
Ngoài ra, khách hàng thường không do dự mua hàng nếu họ thấy thứ khác to hơn, mà số tiền bỏ ra không quá 10% so với dự kiến ban đầu. Do vậy, những thứ ăn kèm ở nhiều nhà hàng thường có giá không quá 10% giá món chính.
Thần chú mang tên Đầu bếp
Trong các quán ăn, đầu bếp thực sự là một từ rất quyền lực. Bất kỳ món ăn nào cũng sẽ trở nên ấn tượng hơn nếu thực khách được chính đầu bếp phục vụ. Khách hàng sẽ cảm thấy món ăn của mình ngon hơn, được chế biến cầu kỳ hơn khi được đầu bếp mang món ăn tới tận bàn, thay vì bồi bàn như các nơi khác.
Do vậy, nhiều nhà hàng đã cho bồi bàn mặc trang phục như đầu bếp và mang đồ ra bàn cho khách.