Trò chuyện cùng chị Nguyễn Thái Ngọc, chủ quán Bay Coffee and Tea về cách xây dựng một quán cà phê thành công

Giữa thủ đô ồn ào náo nhiệt, nhiều lúc người ta muốn trốn đi đâu đó để tìm cho mình một khoảng không gian riêng mà ở đó không ồn ã, không hối hả. Bay Coffee and Tea hiện có 2 cơ sở ở số 48 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hai Bà Trưng và số 36 Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy chính là gợi ý tuyệt vời dành cho bạn.

Hôm nay, Kinhdoanhnhahang.vn có dịp trò chuyện với chị Nguyễn Thái Ngọc, sinh năm 1985 –  chủ quán Bay Coffee and Tea để cùng tìm hiểu về ý tưởng mở quán cũng như những khó khăn chị đã gặp khi điều hành quán.

bay coffe and tea 1

Kinhdoanhnhahang.vn (KDNH): Lời đầu tiên, cảm ơn chị đã tham gia vào buổi phỏng vấn cùng Kinhdoanhnhahang ngày hôm nay.

KDNH: Để bắt đầu buổi trò chuyện, chị có thể chia sẻ ý tưởng kinh doanh của chị bắt đầu từ đâu không?

Chị Nguyễn Thái Ngọc (NTN): Mình nghĩ làm công việc kinh doanh café này sẽ giúp mình có cơ hội thường xuyên được tiếp xúc, trò chuyện với mọi người, được học hỏi về pha chế, làm bánh, cắm hoa hay trang trí quán. Và mình nghĩ ai cũng thích có một quán của riêng mình, thế nên Bay đã ra đời. (cười)

bay coffe and tea 9

KDNH: Mỗi tên quán đều có một ý nghĩa riêng, không biết ý nghĩa của cái tên Bay Coffee and Tea là gì?

NTN: Với mình ý nghĩa cái tên Bay cũng không có gì rõ ràng cả. Bay thiên về kiểu “phiêu”. Đặt cái tên này là mình muốn tạo cho khách hàng cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng.

bay-coffe-and-tea-5

KDNH: Khi mới xây dựng quán, chị có nhận được sự ủng hộ từ gia đình và bạn bè không, bởi mọi người hay nghĩ con gái một mình kinh doanh sẽ khá vất vả?

NTN: Ban đầu mọi người trong gia đình cũng không ủng hộ việc mình mở quán café này. Mở các quán café thông thường chỉ đơn giản là thuê nhà, có bàn có ghế ngồi thoải mái là được nhưng để xây dựng được một quán như Bay thì phải thiết kế một không gian riêng ngay từ đầu. Dù là nhà mình đi thuê thì cũng phải đập đi xây lại nên chi phí tiền sửa chữa khá lớn. Máy café, đồ nghề pha chế mới cũng đắt, bố mẹ lo tốn kém nên gàn “đừng làm nữa”. Tại thời điểm ấy, mình chọn con phố vắng vẻ này mở Bay, mọi người đều cho rằng đó là sự mạo hiểm. Nhưng mình lại cho đây là cơ hội nên phải nắm bắt lấy.

Bay được xây dựng hoàn toàn từ con số “0”. Bởi trước đây mình làm về Ngàng xây dựng, chưa từng có kinh nghiệm kinh doanh nên để mở Bay, mình phải đi học lại từ đầu nhiều việc như: quảng cáo, pha chế, cách kinh doanh…

KDNH: Ở Hà Nội hiện nay có khá nhiều quán café, trà, bánh. Theo chị, Bay có gì khác biệt so với những quán khác để thu hút khách hàng?

NTN: Bay được mọi người nhớ đến vì đồ uống. Đồ uống của quán những ngày đầu tiên phát triển từ trà lắc hoa quả: trà táo, trà lắc dưa hấu, trà ổi… Mùa nào trà hoa quả ấy. Trà quán mình dùng hoa quả tươi, các quán khác dù pha cùng một công thức nhưng do dùng siro nên cũng không ra được vị quán mình làm.

Hầu hết công thức đồ uống ở Bay mình đều học từ nước ngoài. Ban đầu khách nhìn các loại trà như táo quế, cam sả, trà thảo mộc… có chút e dè  bởi họ nghĩ đấy là đồ dùng để nấu ăn không phù hợp để pha đồ uống nhưng sau khi thử thấy trà ngon, giá rẻ và đặc biệt là rất có lợi cho sức khỏe thì dần dần khách hàng cũng đón nhận và yêu thích.

bay-coffe-and-tea-8

bay-coffe-and-tea-3

KDNH: Chị có coi ai là đối thủ trong lĩnh vực kinh doanh này không?

NTN: Kinh doanh là vô cùng tận. Mỗi quán sẽ có một hướng phát triển khác nhau nên cứ coi quán khác là đối thủ thì không biết bao giờ cho đủ. Đôi lúc mình cũng để ý xem quán người ta có cái gì, quán mình thiếu cái gì để mình còn biết mà nâng cấp, cải thiện quán của mình lên.

KDNH: Bay có menu đồ ăn, đồ uống đa dạng. Vậy công tác quản lý chất lượng diễn ra như thế nào hay nói cách khác làm thế nào chị quản lý được chất lượng đồ ăn, đồ uống tại quán?

NTN: Cũng như các quán khác mình có thuê quản lý và thường xuyên kiểm tra các bạn quản lý cũng như nhân viên tại quán. Khi có mặt ở quán, mình sẽ kiểm tra nguồn nguyên liệu cũ hỏng có được bỏ đi không, vấn đề vệ sinh được đảm bảo thế nào… Nguồn nguyên liệu nhập về đều là hoa quả chất lượng, tươi ngon. Bởi mình nghĩ, không đảm bảo được chất lượng nguyên liệu chính là tự giết chết quán mình. Có thể lợi nhuận quán là ít nhưng sẽ giữ được khách về lâu về dài.

bay-coffe-and-tea-2

bay-coffe-and-tea-10

KDNH: Hiện tại, phản hồi của khách hàng về Bay chủ yếu là kênh nào?

NTN: Bay không có phương tiện truyền thông nào là chủ đạo. Hiện tại, quán nhận phản hồi qua Fanpage Facebook,  Instagram, rồi mình cũng thường xuyên vào các trang web ẩm thực kiểm tra xem phản hồi của khách về quán như nào.

KDNH: Với những phản hồi từ phía khách hàng, Bay sẽ xử lý như thế nào?

NTN: Dù là phản hồi xấu hay tốt thì trước tiên, mình cũng phải cảm ơn khách hàng vì đã dành thời gian góp ý cho Bay. Qua phản hồi của khách mà mình biết Bay đang mạnh ở đâu, yếu ở điểm nào để còn phát huy và khắc phục. Với phản hồi xấu, mình sẽ xác thực lại qua camera, nhân viên trong ca rồi tìm cách giải quyết vấn đề. Trong trường hợp phản hồi xấu là đúng thì tất nhiên, mình sẽ có trách nhiệm xin lỗi khách, tìm cách đền bù. Mình quan niệm, khách hàng là trên hết, kinh doanh phải có trách nhiệm, không chỉ đơn giản là khách đến tìm một chỗ uống nước, trả tiền rồi đi về.

KDNH: Đối tương chủ yếu mà Bay hướng đến là ai?

NTN: Khách hàng đến Bay khá đa dạng. Buổi sáng thì khách lớn tuổi đến uống cafe, trưa dân công sở đến uống nước ép, sinh tố… chiều thì học sinh sinh viên đến quán chơi, trò chuyện, xả stress, tối là thời điểm các cặp đôi đến hẹn hò. Nhưng khách hàng chủ yếu của Bay là những người trẻ, tuổi từ 18-25 tuổi.

bay coffe and tea 11

KDNH: Làm thế nào để chị cân đối việc quản lý 2 cơ sở Bay cùng lúc?

NTN: Quản lý 2 cơ sở không phải là việc dễ dàng. Bản thân mình hiện tại cũng chưa đảm đương được hết công việc. Vì vậy, mình chủ yếu giao việc cho các bạn quản lý là những nhân viên làm lâu năm và có năng lực tại quán. Sau đó, mình sẽ quản lý qua camera theo dõi và sổ sách.

KDNH: Là người trẻ, chị có gặp phải những khó khăn gì trong quá trình quản lý nhân sự?

NTN: Quản lý nhân sự của quán café khác hoàn toàn với quản lý đội ngũ nhân viên văn phòng. Với những nhân viên làm full-time, cuộc sống của họ phụ thuộc vào đồng lương nên thường có trách nhiệm và tôn trọng văn hóa công ty. Ở các quán café, bộ phận các bạn nhân viên làm part-time thường gian chủ yếu là đi làm cho vui, kiếm thêm tiền tiêu chơi nên việc bó buộc trách nhiệm với chỗ làm là điều rất khó. Với nhân viên ở Bay, mình chủ trương bảo ban, dạy dỗ trong quá trình làm việc chứ không quản lý hoàn toàn.

KDNH: Chị có chia sẻ gì với những bạn trẻ muốn đi theo con đường kinh doanh này không?

NTN: Muốn mở nhà hàng, quán kinh doanh lĩnh vực ăn uống thì cần phải “Vững”. Công việc buôn bán kinh doanh sẽ có rất nhiều lúc gặp khó khăn, lỗ vốn nên để vượt qua những lúc đấy thì cần phải có tinh thần vững, không nản lòng, kiên trì theo đuổi. Thứ hai là vững về quan điểm, đường lối mở quán như nào thì phải “bám chặt” vào và phát huy. Cuối cùng là giữ vững về chất lượng đồ uống của quán mình.

KDNH: Cảm ơn chị về buổi chia sẻ này và chúc chị thành công với những dự định trong tương lai!

(Bài phỏng vấn này được thực hiện bởi chuyên trang Kinhdoanhnhahang.vn, website chính thức và duy nhất cung cấp những kiến thức nhà hàng, bài học thành công của những chủ doanh nghiệp tại Hà Nội. Những quan điểm trong bài phỏng vấn thể hiện quan điểm riêng của khách mời, không phản ánh quan điểm của Kinhdoanhnhahang.vn)